Viết CV thế nào để vào ngành Quảng Cáo?
"Khi đọc CV, chị phải có cảm giác người ta thú vị, chị chưa quan tâm đến bề dày kinh nghiệm ở giai đoạn này đâu, CV viết chung chung, chán phèo như rải truyền đơn thì làm sao chị muốn gặp, nghe họ nói được" - một Creative Director từng chia sẻ.
Nội dung chính |
1. Kinh nghiệm |
2. Phần giới thiệu bản thân |
3. Sở thích |
1. Kinh nghiệm
Thật vậy, CV là đầu câu chuyện, là “the truth well told” - nói thật hay cái hay của bản thân mình. Hiện tại, sau 4, 5 năm cày cuốc trên giảng đường, bạn chỉ có một ít kinh nghiệm như làm Đoàn Hội, tham gia các cuộc thi, làm freelance,... và CD không có thời gian quan tâm điều đó.
Cách người ta làm chỉ là “scan” những “keyword” bên trong CV. Thường những từ họ sẽ tìm như "idea", "concept", "brainstorm", bạn phải bóc tách những kinh nghiệm hiện có và chèn keyword vào. Hãy tham khảo thêm JD tuyển dụng về “Copywriter”, bạn sẽ tìm được nhiều từ khóa có thể áp vào CV của mình.
Còn nếu trong ngần ấy thời gian học đại học, bạn không có làm bất kỳ điều gì liên quan đến ý tưởng, thì thật sự khó có thể cứu được. Bạn phải thật sự suy nghĩ lại, bạn có "yêu" ngành quảng cáo không, mà thời gian qua không động chạm gì đến idea.
Creative Director, họ cũng đã từng như bạn, họ biết nên viết cái gì để bán được hàng, bán dây chuyền, bán nhà chục tỷ, nên họ biết được ẩn ý đằng sau câu chữ, vì vậy các bạn hãy chú ý, đừng viết CV sơ sài, hay xạo xạo.
2. Phần giới thiệu bản thân
Hãy để ý những phần như About me, About us trên website, bạn sẽ học được rất nhiều cách giới thiệu hay, và lưu lại sau này có dịp sử dụng. Nếu từ đầu CV, bạn có một câu hay hay về bản thân, có thể nhận được 1 “like”, điều này sẽ gây ấn tượng rất mạnh đối với người tuyển dụng.
Các bạn thử tóm mình lại trong 1 câu, xem như thế nào. Dưới đây là một vài ví dụ cho các bạn tham khảo:
"A creative Writer with a passion for craft, cultures and ladies"
An almost award-winning copywriter
"I'm an Idea-thief. I'm in love with this world and I'm stealing inspiration from it, seconds by seconds, one piece at a time"
Trước khi người ta đọc kinh nghiệm, họ đã có một cái nhìn khác khác về bạn rồi. Đây chính là điểm khác biệt, đáng chú ý của bạn trong CV đối với các ngành nghề trong khối sáng tạo.
3. Sở thích
Về phần Interest / Hobbies, nếu bạn không có gì thú vị, đừng viết. Em thích âm nhạc, thích đọc sách, thích xem phim, 1000 chiếc CV ai cũng có thể viết như vậy hết, nên trừ khi bạn có những sở thích gì quái quái, hãy ghi vô.
Một bạn viết về sở thích du lịch như thế này: "Tôi muốn đi du lịch thật nhiều nơi, để thấy chúng ta hiểu về nhau sai như thế nào!". Vừa khoe khéo được cá tính, vừa nói lên được sở thích đúng không nào.
Cuối cùng, thiết kế CV phải đẹp, bạn làm sáng tạo mà. Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng không có áo, không ai tin mấy người là thầy tu hết. Hãy chỉn chu trong từng chi tiết, cố gắng siết lại tất cả nội dung trong 1 trang A4, và nhớ kiểm tra chính tả, ngữ pháp tiếng Anh nhé.
CV là bộ mặt của bạn, thành ra hãy viết có tâm một chút. Bạn đầu tư để viết cái gì, thì người ta sẽ dành ra từng ấy thời gian để xem nó. Làm một lần, mà làm cho chắc, sau này chỉ cần sửa vài chỗ thôi là được.
Chào mừng bạn đã đặt một... ngón chân út vào thế giới Agency! Ngổn ngang nhưng vô cùng hấp dẫn và thách thức.
Đúc kết bởi anh Huỳnh Vĩnh Sơn, Senior Copywriter, kẻ buôn “nhời” quảng cáo khét tiếng, cũng là tác giả nhiều ấn phẩm từng làm mưa làm gió trong giới sáng tạo như “Ý tưởng này là của chúng mình”, “Tưởng là có Ý”, “90 - 20 - 30”.
#advertising
Professional Skills
Những ngộ nhận về ngành quảng cáo sáng tạoProfessional Skills
5 thói quen để trở thành dân quảng cáo sáng tạo