Những ngộ nhận về ngành quảng cáo sáng tạo
Dân quảng cáo là những người làm sáng tạo, sáng sáng ra cafe suy nghĩ idea, chiều chiều nhẩn nhơ về viết slogan, tối gặp mặt bạn bè chia sẻ ý tưởng... Những mộng ước ngày đầu khi bước vào nghề thường sẽ như vậy, nhưng thực tế sẽ không hào nhoáng đến thế.
Trước khi bục mặt vào làm deadline, biết cách brainstorm ý tưởng, viết được slogan thì trước tiên, bạn phải hiểu rõ về ngành, về nghề. Khi chưa hiểu, bạn sẽ không làm đúng được. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những ngộ nhận thường gặp, những góc nhìn sai lệch về công việc sáng tạo, bắt đầu với một câu nói kinh điển:
1. Quảng cáo là nói láo ăn tiền
Bạn dễ dàng nghe điều này bởi rất nhiều người, từ ba mẹ, cô dì, chú bác. Thực sự, làm quảng cáo rất khó để nói láo. Bởi vì ngành này bị chi phối khá nhiều từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như công thức sản phẩm mới, thông điệp chương trình khuyến mãi, tất cả đều sẽ được thương hiệu quản trị gắt gao, không phải muốn nói láo là nói láo được.
Một cách hiểu đúng đắn, lý do các nhãn hàng cần thuê copywriter chính là "nói cái chán làm sao cho đỡ ngán". Như công thức sữa, tính năng bột giặt, thành phần dinh dưỡng của thức ăn, những điều này vô cùng nhàm chán, na ná, tương đồng nhau. Vì vậy nhãn hàng cần công ty quảng cáo giỏi, cứng về chiến lược, và cần khác biệt từ sự sáng tạo của những bạn copywriter, art director.
2. Copywriter viết một câu, ăn một năm
Bạn có bao giờ suy nghĩ : "Sau này, mình sẽ chắp bút viết một câu slogan được trả 5000$, 10000$" không?”. Thực ra, copywriter hay designer cũng chỉ là người làm công ăn lương, người làm sáng tạo cho công ty. Dù tháng đó bạn viết được 1 câu, 50 câu hay 800 câu thì lương của bạn vẫn như vậy.
Vốn dĩ quảng cáo là một ngành công nghiệp, cho nên người làm quảng cáo không phải là một nghệ sĩ.
3. Quảng cáo sướng lắm, ngồi cà phê nghĩ ý tưởng là được
Khi bạn thấy creative phải xách mông ra quán để brainstorm, suy nghĩ ý tưởng thì thực tế là họ đã vã, đã đuối lắm rồi. Họ cần phải ra khỏi công ty tìm cảm hứng thôi. Dân sáng tạo sống với deadline, thành ra, ý tưởng giống như một trái bom nổ chậm, đúng ngày, đúng thời điểm, việc đó phải xảy ra.
Sáng tạo cũng chẳng phải là một ngày đẹp trời, khách hàng gọi điện thoại đến cho bạn: "Alo anh A hả, anh đã có cảm hứng viết chưa ạ, chưa à, em xin lỗi, em sẽ gọi lại sau". Không bao giờ có câu chuyện như vậy đâu nhé.
Làm quảng cáo không "cool", không ngầu như bạn thấy đâu, áp lực sáng tạo sẽ khiến bạn thay đổi rất nhiều về lifestyle, thói quen, cách sống, cách nghĩ trước đây. Vì vậy trước khi dấn thân vào ngành, bạn cần phải suy nghĩ “sự thay đổi đó có đáng hay không?”.
4. Copywriter chỉ viết slogan
"Anh đừng có đưa em tờ rơi, leaflet, brochure này nọ được không anh! Em làm sáng tạo mà, em ở đây để làm idea, viết slogan, concept mà, mấy cái kia ai viết chả được". Không đúng đâu nhé các bạn, biết làm idea thì quá ngầu rồi, nhưng vai trò của copywriter là phải tiếp tục đưa ý tưởng đến mọi ngóc ngách của truyền thông từ kịch bản TVC, copy cho print-ad, thậm chí là soạn tin nhắn sms, viết nhạc, đặt tên website,... và slogan chỉ chiếm 1% công việc của copywriter.
Hơn nữa, các brand không đổi slogan liên tục, những thương hiệu nổi tiếng có khi giữ slogan đến hàng chục năm. Họ chỉ đổi slogan khi có một khủng hoảng lớn, thị trường thay đổi, hay nội tại thương hiệu cần phải chuyển đổi đặc tính.
5. Quảng cáo là phải dị, phải khùng
“Em thấy dân creative ra đường nhìn phải “cool”, ăn mặc phong cách, nói chuyện ngầu ngầu có đúng không anh?”. Ừm thì, đầu tiên bạn phải có chất đã, còn chuyện có khùng hay không thì tính sau. Copywriter cũng là người bình thường, quan trọng là idea, ngôn từ của bạn dùng có kích thích hay không. Thường thì những bạn làm sáng tạo cho ngành sữa dễ thương khác với ngành bia, thuốc lá (dark market). Chẳng ai giống ai cả và nhìn ở ngoài bạn cũng không biết ai làm ngành sáng tạo đâu. Hãy thể hiện sự khác biệt của mình trong ý tưởng là quá đủ.
Cuối cùng, quảng cáo là ngành công nghiệp thay đổi từng ngày, từng giờ, đừng giữ những khư khư những quan điểm hư cấu như trên, bạn sẽ không được đón nhận đâu. Và trước khi muốn dấn thân vào thế giới sáng tạo, nhớ đọc kỹ hướng dẫn trước khi vào. "Đừng để vào hối hả, ra hối hận!".
Chia sẻ bởi anh Huỳnh Vĩnh Sơn, Senior Copywriter, kẻ buôn “nhời” quảng cáo khét tiếng, cũng là tác giả nhiều ấn phẩm từng làm mưa làm gió trong giới sáng tạo như “Ý tưởng này là của chúng mình”, “Tưởng là có Ý”, “90 - 20 - 30”.
#advertising #quảng cáo #quảng cáo sáng tạo #ý tưởng quảng cáo
Career Path
Viết CV thế nào để vào ngành Quảng Cáo?Professional Skills
5 thói quen để trở thành dân quảng cáo sáng tạo