Bí kíp tối ưu hiệu quả chiến dịch Influencer Marketing

Bí kíp tối ưu hiệu quả chiến dịch Influencer Marketing

Thực thi một chiến dịch Influencer Marketing không chỉ cần bám sát quy trình lựa chọn Influencer, triển khai và đo lường sau chiến dịch, mà bên cạnh đó còn có những quy tắc bổ sung, những điều cần lưu ý, tuy nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của toàn bộ chiến dịch.

Bạn có thể tham khảo những điều nên và không nên làm dưới đây để tối ưu hoá hiệu quả và tránh mắc phải những sai lầm thường gặp phải khi thực hiện một chiến dịch Influencer Marketing.

DO

  • Lựa chọn Influencer dựa trên những dữ liệu định lượng, không nên dựa trên cảm tính hay cuốn theo các trào lưu đang nổi. Bạn cũng cần phải xem xét tính phù hợp giữa Influencer, nhóm người theo dõi và thương hiệu, tìm hiểu rõ hơn những Influencer tiềm năng khác để đưa ra lựa chọn đúng đắn.

  • Hãy chọn Influencer đúng với nhu cầu của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là doanh số, thì kiến thức chuyên môn của Influencer đôi khi không quan trọng bằng kinh nghiệm trong việc viết bài chia sẻ để bán hàng. Ngược lại, nếu muốn làm nổi bật tính năng vượt trội của sản phẩm, bạn cần cộng tác với những Influencer có chuyên môn trong ngành hàng đó thì mới tạo được sự tin tưởng cho người theo dõi. Không nên vội vàng chạy theo những nhân vật mới nổi trong cộng đồng vì chưa chắc họ đã phù hợp với chiến dịch của bạn.

  • Không nhất thiết phải quá bó buộc về lĩnh vực chuyên môn của Influencer. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể linh hoạt mở rộng việc lựa chọn Influencer theo chiều ngang – lĩnh vực mà Influencer đó có khả năng ảnh hưởng, sao cho có thể tiếp cận đối tượng mục tiêu dễ dàng hơn. Ví dụ, với sản phẩm là mỹ phẩm, ngoài nhóm Beauty Bloggers là nhóm có chuyên môn liên quan nhất đến sản phẩm, bạn có thể chọn các Nữ doanh nhân, Nữ nhà văn, Hot Mom, Nữ diễn viên/ ca sĩ,… là Influencer cho chiến dịch của mình.

  • Tạo không gian cho Influencer thể hiện nội dung, kịch bản theo phong cách của họ. Tính tự nhiên của nội dung là điều mấu chốt khi làm Influencer Marketing. Vì vậy, bạn chỉ nên định hướng cho Influencer những thông điệp chính cần truyền tải và để Influencer tự do sáng tạo. Không nên điều hướng nội dung quá lộ liễu, lồng ghép thương hiệu quá nhiều khiến nội dung trở nên cứng nhắc và đôi khi gây tác dụng ngược, khiến người xem “nhận diện” đó là nội dung quảng cáo. Nhiều Influencer cũng từ chối hợp tác khi họ cảm thấy bị gò bó quá mức, không thể thêm “chất” cá nhân của họ vào nội dung họ sáng tạo.

  • Kết hợp với các kênh truyền thông khác. Phần lớn các chiến dịch Marketing đều sử dụng đa kênh truyền thông, vì vậy, cho dù chiến dịch Influencer Marketing của bạn sử dụng Influencer là kênh chủ lực thì cũng nên kết hợp với các kênh khác (PR, TVC, OOH, Event,…) để tối ưu hoá hiệu quả của chiến dịch. Bạn có thể tận dụng các nội dung của Influencer để đăng bài PR và lan toả thông điệp xa hơn.

  • Nếu không đủ ngân sách để làm đa kênh, bạn cũng có thể chạy quảng cáo để gia tăng khả năng phân phối thông tin từ nội dung của Influencer.

  • Chọn những đối tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực Influencer Marketing để được tư vấn hợp lý và hỗ trợ trong việc thực thi. Một chiến dịch Influencer Marketing với quy mô vừa phải cũng đã cần hợp tác với cả trăm Influencer. Do đó, sẽ mất rất nhiều thời gian nếu bạn tự nghiên cứu, tìm kiếm thông tin của từng người. Nếu đã đầu tư một chiến dịch quy mô, hãy để công việc này cho người có chuyên môn.

  • Ngoài ra, nếu ngân sách của bạn cho phép, hãy chi trả chi phí độc quyền cho những người nổi tiếng, hoặc trả phí sử dụng hình ảnh để tối ưu quyền lợi của nhãn hàng.

  • Nên hoạch định chiến lược hợp tác với Influencer trong trung hạn và dài hạn. Bởi cũng như những kênh truyền thông khác, thông điệp truyền thông cần được lặp đi lặp lại nhiều lần thì mới phát huy hiệu quả tối đa. Vì vậy, bạn có thể chọn lọc và hợp tác với một nhóm Influencer trong một thời gian dài, làm việc với họ qua nhiều chiến dịch khác nhau để người theo dõi thẩm thấu thông điệp.

  • Cập nhật những platform, định dạng content mới. Tại Việt Nam, Facebook và Instagram là hai platform trọng điểm trong các chiến dịch Influencer Marketing. Tuy nhiên, gần đây, các platform mới dần hình thành và phát triển, chẳng hạn như Tik Tok. Và trên Facebook và Instagram thì có định dạng nội dung mới là Stories cũng đang được ưa chuộng. Vì vậy, bạn cần liên tục cập nhật để biết được nhóm đối tượng mục tiêu đang sử dụng platform nào, ưa thích định dạng nội dung nào.

DON’T

  • Không nên đưa ra một bản brief hay thỏa thuận công việc còn mơ hồ, thiếu cụ thể cho Influencer. Influencer cần phải hiểu rõ và hiểu đúng họ cần phải làm gì, làm như thế nào thì mới có thể sáng tạo nội dung phù hợp và đảm bảo đạt được mục tiêu đã cam kết với thương hiệu.

  • Không nên kỳ vọng đạt nhiều mục tiêu trong cùng một nội dung, thậm chí là cả chiến dịch Influencer. Chiến dịch của bạn có thể bao gồm nhiều giai đoạn, và mỗi giai đoạn chỉ nên tập trung vào một mục tiêu trọng tâm và hướng tất cả nội dung và mục tiêu đó. Chẳng hạn, nếu bạn muốn tăng doanh số, người đọc cần phải thấy đường link dẫn đến trang mua sắm ở vị trí dễ thấy trong bài đăng, chứ không nên bắt họ đọc một bài review rất dài về sản phẩm rồi mới thấy link.

  • Không viết nội dung thay cho Influencer. Chỉ có Influencer mới hiểu rõ những gì người theo dõi muốn đọc, muốn nghe nhất. Vì vậy, để nội dung được gần gũi, chân thực với người theo dõi, hãy để Influencer thể hiện phong cách cá nhân của mình. Việc viết nội dung thay cho Influencer có thể làm giảm tương tác và khiến người theo dõi phản ứng tiêu cực với thương hiệu.

  • Không gán một kịch bản nội dung y hệt nhau cho tất cả Influencer. Phong cách, ngôn ngữ, văn phong của mỗi Influencer là khác nhau và tạo ra nét riêng của họ. Và mỗi Influencer giỏi ở những khía cạnh nhất định. Có người giỏi phân tích ưu điểm sản phẩm, có người giỏi lồng ghép cảm xúc thích thú khi giới thiệu sản phẩm, có người giỏi chia sẻ tin giảm giá. Vì vậy, lựa chọn những chủ đề khác nhau phù hợp với từng Influencer là rất quan trọng.

  • Không nên chỉ đánh giá mức độ hiệu quả của Influencer qua việc đo đếm tương tác, hay quy định số lượt tương tác là KPI của chiến dịch, của Influencer. Khi Influencer buộc phải cam kết về lượt tương tác, comment, họ có thể seeding để đạt KPI. Khi quá chú trọng vào số lượng, đôi khi bạn sẽ quên mất yếu tố chất lượng, bỏ qua những Influencer có lượng tương tác không quá lớn nhưng nhóm người theo dõi lại rất phù hợp với mục tiêu của thương hiệu.

Chia sẻ bởi anh Phi Nguyễn, Founder & CEO của Hiip Asia, nền tảng Influencer đang dẫn đầu khu vực ĐNÁ. Anh Phi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành, và đã dẫn dắt Hiip Asia, cùng kiến tạo nên thành công của nhiều chiến dịch Influencer cho hơn 500 nhãn hàng và Agency.