Các vấn đề pháp lý cần quan tâm khi kinh doanh nhượng quyền

Các vấn đề pháp lý cần quan tâm khi kinh doanh nhượng quyền

Khi nhắc đến vấn đề pháp lý, tôi nghĩ có 2 yếu tố pháp lý cơ bản đơn vị nhượng quyền cần tìm hiểu gồm: các điều kiện pháp lý cần có khi đăng ký và vấn đề sở hữu trí tuệ trong kinh doanh nhượng quyền.

Do chưa có bộ Luật chuyên biệt cho nhượng quyền thương mại tại Việt Nam nên tính pháp lý của hình thức kinh doanh này được quy định cơ bản trong Luật Thương mại 2005 và các Nghị định & thông tư liên quan. Chi tiết danh sách các Nghị định các bạn có thể tham khảo với các công ty tư vấn luật chuyên nghiệp để nắm rõ hơn.

1. Điều kiện về pháp lý để kinh doanh nhượng quyền

Theo quy định, thương hiệu nhượng quyền bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu trước khi chính thức hoạt động.

Đối với trường hợp nhượng quyền trong nước và nhượng quyền ra nước ngoài, thương hiệu phải hoạt động tối thiểu 1 năm và không cần đăng ký nhượng quyền với cơ quan nhà nước. Với hình thức nhượng sơ cấp từ nước ngoài về Việt Nam hoặc nhượng quyền thứ cấp thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam, chủ doanh nghiệp cần thực hiện đăng ký nhượng quyền cũng như chế độ báo cáo hàng năm với Bộ Công Thương. Riêng với hình thức nhượng quyền thứ cấp thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam, điều kiện bắt buộc là thương hiệu phải hoạt động tối thiểu 1 năm và phải có văn bản được phép nhượng quyền thứ cấp.

Để các bạn có thể hình dung dễ hơn, tôi đã tóm tắt các yêu cầu pháp lý cơ bản cần thực hiện theo hình dưới đây:

Các vấn đề pháp lý cần quan tâm khi kinh doanh nhượng quyền

Một điểm tôi muốn lưu ý là các giấy tờ từ nước ngoài cần được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của Việt Nam. Các doanh nghiệp nên lưu tâm khoản này để quá trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý được suôn sẻ hơn.

Trong thời gian làm việc, tôi thường nhận được câu hỏi rằng: “Nếu chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo hình thức Hộ kinh doanh thì có được tổ chức nhượng quyền không?”. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhượng quyền bắt buộc phải đăng ký kinh doanh nhưng không giới hạn loại hình.

Tuy nhiên, tôi nghĩ mô hình Hộ kinh doanh khó đáp ứng được kỳ vọng của bên nhận quyền nếu hình thức nhượng quyền có quy mô đòi hỏi hệ thống kinh doanh, chuyển giao và kiểm soát chuyên nghiệp.

2. Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền

Các doanh nghiệp nhượng quyền hoạt động trên tiền đề của sự độc đáo về mô hình kinh doanh. Do đó, các yếu tố liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, bản quyền, bí quyết, bí mật thương mại và tài sản trí tuệ khác cần phải được bảo vệ để chống lại việc sử dụng trái phép. Hiện tại, biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất là đăng ký quyền sở hữu trí tuệ các yếu tố liên quan đến hoạt động nhượng quyền với cơ quan Chính phủ tương ứng tại quốc gia, nơi nhượng quyền hiện tại hoặc dự định hoạt động trong tương lại gần.

Bên cạnh đó, trong thoả thuận nhượng quyền thương mại cần xác định hoặc định nghĩa rõ ràng về tài sản trí tuệ thuộc thương hiệu. Đi kèm định nghĩa là các điều khoản điều chỉnh việc sử dụng sở hữu trí tuệ tại lãnh thổ, quốc gia cụ thể, trong một khoảng thời gian cụ thể cũng như vấn đề gia hạn.

Trong quá trình tư vấn và làm việc, tôi có thể tạm phân loại sở hữu trí tuệ thành 3 nhóm như sau: bản quyền (quyền tác giả), sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng, quyền sở hữu công nghiệp. Trong 3 nhóm kể trên, tôi thấy phổ biến nhất là nhóm quyền sở hữu công nghiệp, nên trong bài viết này tôi sẽ phân tích sâu hơn vào nhóm quyền sở hữu.

Cụ thể, quyền sở hữu công nghiệp bao gồm các nội dung sau: Bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, sơ đồ bố trí mạch tích hợp, chỉ dẫn địa lý. Tất cả sẽ được đăng ký và quản lý bởi Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Phân tích sâu hơn, bằng sáng chế công nhận giải pháp kỹ thuật có tính mới, có trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Thời gian sở hữu của hình thức này là 20 năm. Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp, và có thời gian sở hữu 10 năm.

Các vấn đề pháp lý cần quan tâm khi kinh doanh nhượng quyền

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố đó. Hình thức này có thời gian sở hữu tối đa 15 năm. Điểm mấu chốt của khái niệm này là phải có tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm, tái tạo bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp. Nếu không có yếu tố này thì không phải là kiểu dáng công nghiệp, mà là sự sáng tạo nghệ thuật (thuộc bản quyền tác giả).

Khái niệm nhãn hiệu dùng để mô tả những dấu hiệu nhìn thấy được, dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc kết hợp các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Vai trò của nhãn hiệu là phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Dấu hiệu này có thời gian bảo hộ 10 năm, mỗi lần gia hạn có giá trị 10 năm.

Các vấn đề pháp lý cần quan tâm khi kinh doanh nhượng quyền

Khái niệm sơ đồ bố trí mạch tích hợp có thời gian bảo hộ 10 năm. Thiết kế bố trí mạch tích hợp được bảo hộ khi có tính nguyên gốc và tính mới thương mại. Từ kinh nghiệm “thực chiến” của bản thân, tôi thường xác định tính nguyên gốc theo 2 biểu hiện sau: (1) là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả thiết kế bố trí và (2) thiết kế đó chưa được biết đến rộng rãi trong giới tại thời điểm ra mắt. Tính mới thương mại để miêu tả những thiết kế, bố trí chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.

Khái niệm cuối cùng là chỉ dẫn địa lý. Đây là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc về mặt địa lý của sản phẩm. Đó có thể là các sản phẩm chế biến từ thiên nhiên như nông sản, hải sản như bưởi Đoan Hùng, nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, nhưng cũng có thể liên quan đến các sản phẩm do con người tạo ra như đồng hồ Thuỵ Sỹ. Chỉ dẫn địa lý có giá trị bảo hộ vô thời hạn.

Trên đây là một số khái niệm cơ bản về vấn đề pháp lý khi triển khai các hoạt động kinh doanh nhượng quyền được đúc kết dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân tôi. Tôi có một lưu ý muốn nhấn mạnh rằng đây chỉ là những thông tin cơ bản dùng để tham khảo trước. Khi bắt tay vào nhượng quyền, chủ doanh nghiệp, đơn vị triển khai hoạt động nhượng quyền vẫn nên tìm đến các đơn vị tư vấn luật để nhận được tư vấn chi tiết cho từng trường hợp cụ thể. Để hiểu sâu hơn về các hồ sơ pháp lý cần có trong hoạt động kinh doanh nhượng quyền, mời bạn tham khảo khoá học "Franchise: Khởi nghiệp từ Kinh doanh Nhượng quyền".

Trên đây là nội dung mà giảng viên Đỗ Duy Thanh đã chia sẻ trong khoá học "Franchise: Khởi nghiệp từ Kinh doanh Nhượng quyền". Anh Thanh được biết đến với nhiều khóa học trước đây tại Brand Camp, tiêu biểu là series 9P Trong Quản Trị Nhà Hàng hay Khởi Nghiệp Kinh Doanh Đồ Uống. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực F&B, đồng thời là Founder kiêm CEO của FNB Director, trong khoá học lần này, anh sẽ mang đến cho học viên những kiến thức nền tảng về nhượng quyền cũng như kinh nghiệm quý báu đến từ một người lành nghề.