6 loại logo và ý nghĩa của chúng mà marketer nên biết

6 loại logo và ý nghĩa của chúng mà marketer nên biết

Thiết kế logo gần như là cụm từ đầu tiên mà người bắt đầu kinh doanh thường nghĩ tới khi muốn thiết kế hình ảnh cho thương hiệu của mình.

Do đó bài viết này sẽ giới thiệu với các bạn về 6 kiểu thiết kế logo và 9 quy tắc thiết kế logo thường gặp.

1. Logotype/ wordmark

Đây là kiểu logo xây dựng trên font chữ, thường bao gồm toàn bộ tên công ty, ví dụ như Google, Coca-Cola, Disney… Loại logo này giúp người dùng ghi nhớ tên thương hiệu dễ dàng vì sẽ xuất hiện trên tất cả tài liệu marketing. Logotype/ wordmark phù hợp với những thương hiệu có tên gọi thú vị, khác biệt. Điểm độc đáo của loại logo này là khó bị lỗi thời.

Tuy nhiên, lưu ý rằng font chữ sử dụng cho wordmark cần được cách điệu đồng thời đảm bảo tính rõ ràng, dễ đọc, kết hợp màu sắc phù hợp để nổi bật hơn so với đối thủ.

2. Letterform

Letterform là logo xây dựng trên chữ cái đầu tiên của thương hiệu. Một số ví dụ điển hình như logo của McDonald’s, Facebook, Netflix, Pinterest… Letterform thường được sử dụng kèm với phiên bản tên đầy đủ của thương hiệu (wordmark).

Logo dạng này có ưu điểm là gọn gàng, có thể thu nhỏ mà vẫn nhìn rõ như khi ứng dụng trong thiết kế App Icon, Favicon (biểu tượng website), Social Media... Loại logo này thường phù hợp cho những công ty có mức độ nổi tiếng nhất định. Vì nếu độ phổ biến thấp, người dùng sẽ khó có thể nhận biết được tên công ty chỉ thông qua một chữ cái.

3. Lettermark

Tiếp đến là Lettermark – logo xây dựng trên các chữ cái viết tắt của thương hiệu. Đây là những thương hiệu mong muốn người dùng đọc tên của họ theo tên viết tắt như Nasa, H&M, HBO, IBM... Nhờ thu gọn độ dài, logo có thể vừa vặn hơn ở nhiều không gian, kích thước.

4. Pictorial mark/ Symbol/ Icon

Loại logo này sử dụng hình ảnh biểu tượng để đại diện cho thương hiệu. Một vài ví dụ phổ biến như quả táo cắn dở – Apple, vỏ sò – Shell, mặt thỏ – Playboy, chú chim – Twitter, chú gấu trúc – WWF… Hình ảnh này có thể gián tiếp hoặc trực tiếp gợi ý về lĩnh vực hoạt động của công ty, hoặc đại diện cho lời hứa của thương hiệu... Thông thường mỗi biểu tượng đều có một câu chuyện đằng sau đó.

Logo dạng này khá dễ nhớ vì dễ liên tưởng đến 1 hình ảnh cụ thể.

Pictorial mark/ Symbol/ Icon sẽ khá thích hợp với những doanh nghiệp kinh doanh trên quy mô toàn cầu, có nhiều loại sản phẩm, dịch vụ. Các thương hiệu còn mới, nếu lựa chọn sử dụng Pictorial Mark thì đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí quảng cáo để “educate” người tiêu dùng có thể nhớ đến biểu tượng này. Một nhược điểm của loại logo này là đôi khi nó tạo cảm giác mơ hồ, khó hiểu với người tiêu dùng.

5. Abstract mark

Đây là thiết kế logo dạng trừu tượng – kết hợp các dạng hình học để tạo nên một biểu trưng. Thường thấy nhất là logo của Pepsi, Mitsubishi, Đại hội thể thao Olympic...

Logo này thường mang các ý nghĩa ẩn dụ, dễ nhớ, dễ nhìn và bắt mắt. Abstract mark phù hợp với các tập đoàn lớn có nhiều ngành nghề hoặc các công ty công nghệ.

6. Combination

Loại logo này kết hợp giữa các loại logo nói trên, bao gồm cả chữ và biểu tượng minh hoạ. Tiêu biểu có thể kể đến Pizza Hut, Converse, Spotify, Mastercard... Đây là phương án được nhiều công ty lựa chọn vì có thể truyền tải ý nghĩa khá trọn vẹn và có thể đăng ký thương hiệu được dễ dàng hơn.

Ngoài ra, nhiều thương hiệu còn dùng mascot (linh vật), emblem (huy hiệu) cho logo. Hiện nay, loại logo này ít phổ biến hơn do tính phức tạp trong đường nét của chúng.

Logo linh vật sử dụng các hình vẽ nhân vật đại diện thương hiệu, mang tính chất vui tươi, thường dùng cho các thương hiệu dành cho trẻ em, gia đình, các đội thể thao. Ví dụ như KFC, M&M, Pringles...

Còn emblem là logo dạng huy hiệu, mang nét cổ điển với những đường viền xung quanh. Emblem thường sử dụng cho các công ty truyền thống, trường đại học lâu đời, hay cơ quan chính phủ. Một số ví dụ điển hình là Warner Bros., Starbucks, Harvard University…

Quy tắc thiết kế logo

Cũng giống như quy tắc thiết kế chữ, trong thiết kế logo, có một số quy tắc cần đảm bảo như sau:

  • Readability: sử dụng các font chữ dễ đọc thay vì những font trang trí rối mắt. Người xem cần phải đọc được chính xác tên thương hiệu của bạn – đây chính là ưu tiên hàng đầu.
  • Standout, Memorable: một logo được xem là hiệu quả khi người dùng có thể nhớ được và có sự khác biệt đối với những logo khác.
  • Versatile – tính linh hoạt: logo cần được nhìn rõ ở nhiều tình huống, bối cảnh kể cả khi thu nhỏ tỉ lệ.
  • Timeless: logo cần được thiết kế để có thể sử dụng trong thời gian dài. Vậy nên hãy chọn những thiết kế có tính “timeless" – hay sẽ trông không bị lạc hậu theo thời gian.
  • Appropriate: logo cần phù hợp với tính chất, đặc trưng của công ty và các khách hàng mục tiêu
  • Look good in black & white: bạn thường sử dụng phiên bản đầy đủ màu của logo trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể cần sử dụng phiên bản màu đen và trắng như lúc in các giấy tờ văn phòng. Vậy nên hãy kiểm tra logo của bạn trông như thế nào trong trường hợp cần sử dụng toàn bộ màu đen và toàn bộ màu trắng. Nếu không ổn, bạn cần cân nhắc chỉnh sửa thiết kế nguyên bản với đầy đủ màu sắc của mình.
  • Balance: tính đối xứng là một dấu hiệu quan trọng của thiết kế tốt. Đối xứng ngụ ý tính trật tự, cân bằng và ổn định. Để đánh giá logo có cân đối và đối xứng hay không, cách thức đơn giản nhất là đặt một đường thẳng vào giữa thiết kế logo, và so sánh “trọng lượng thị giác” hai bên đường thẳng đó.
  • Color: đừng quên lựa chọn màu có ý nghĩa phù hợp với thương hiệu nữa nhé. Đặc biệt lưu ý không nên dùng quá nhiều màu trong 1 logo và hãy sử dụng hệ thống phối màu Pantone (PMS – The Pantone Colour Matching System).
  • Test: hãy làm khảo sát nhỏ đối với những người chưa hề biết về dự án của bạn và xem họ phản ứng như thế nào đối với logo. Đây là một trong những cách thức hiệu quả để nhận phản hồi “thật lòng” giúp quá trình thiết kế logo đạt được kết quả tốt nhất có thể.

Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn hiểu hơn về các loại thiết kế logo và ý nghĩa của chúng trong thiết kế thương hiệu.

Bài viết được chia sẻ bởi chị Bùi Ngọc Huyền (Steph Huyền Bùi), hiện là Founder & Head of Creative của Do Nothing Creative.

Khóa học được dẫn dắt bởi chị Bùi Ngọc Huyền (Steph Huyền Bùi), hiện là Founder & Head of Creative của Do Nothing Creative. Chị tốt nghiệp bằng Cử nhân danh dự Graphic Communication tại Anh Quốc và nhận chứng chỉ Design & Media tại Singapore.