Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Quảng cáo là ngành sáng tạo ứng dụng và cũng thực dụng nhất quả đất. Các nhà tuyển dụng trong thế giới hiểm ác này, cụ thể là mấy bác Creative Director luôn khát khao tuyển thêm nô lệ sáng tạo. Ngược lại, những mầm non sáng tạo thường e ngại và thắc mắc rằng: “Em thích nhưng không biết làm thế nào?” “Em không biết mình có phù hợp với ngành không?”.

Bài viết sẽ giúp những bạn trẻ nắm được những điều căn bản nhất cần chuẩn bị để gia nhập thế giới Agency, cụ thể là Advertising Agency (Agency Quảng cáo). Bắt đầu từ việc hiểu ngành hiểu nghề, loại bỏ những ngộ nhận sai lệch, một số thói quen tốt bạn nên có cho đến những lưu ý khi viết CV, làm Portfolio và một tuyệt chiêu tối thượng được đặt ở phần kết bài. Nếu bạn thích dấn thân vào Agency, thích “lối sống sai lầm” này, cụ thể hơn là vị trí Copywriter – Kẻ buôn “lời” quảng cáo, hãy bắt đầu với:

1. Hiểu ngành - Hiểu nghề

Bạn có thể thích quảng cáo vì thấy được những Print-ad cực kỳ sáng tạo của Durex, những chiến dịch viral về tinh thần dân tộc của Bitis, hay đơn giản hơn là thấy cách ăn mặc phong cách, nói chuyện “cool” ngầu từ những anh chị đi trước trong ngành. Ắt hẳn, bạn đã từng tưởng tượng vào một ngày đẹp trời mình cũng sẽ như thế, viết ra những slogan tagline để đời, viết một câu ăn cả năm. Hay hằng ngày ra cà phê ngồi chém gió cùng đồng nghiệp, suy nghĩ ý tưởng về những campaign triệu view,...

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Hừm, đồng ý, đó là những hào nhoáng để khiến rất nhiều sinh viên thích ngành công nghiệp sáng tạo này, nhưng phải cẩn thận, nếu cứ giữ hình ảnh đó mãi trong đầu, đến một ngày bạn sẽ vỡ mộng khi biết được “sự thiệt” đau thương của ngành. Bởi vì quảng cáo là một công việc văn phòng, có thể không đổ mồ hôi, nhưng thực sự sôi nước mắt.

Khi bạn thấy creative phải xách mông ra quán để brainstorm, suy nghĩ ý tưởng thì thực tế là họ đã vã, đã đuối lắm rồi. Họ cần phải ra khỏi công ty để đi tìm cảm hứng mới. Và cũng chẳng phải vào một ngày đẹp trời, khách hàng gọi điện thoại đến cho bạn: "Alo anh A hả, anh đã có cảm hứng viết chưa, chưa à, em xin lỗi, em sẽ gọi lại sau". Không không, bạn sẽ bị hối liên tục, bị khách hàng dí deadline đến nỗi phải kêu trời kêu đất hằng ngày. Dân sáng tạo sống với deadline, thành ra, ý tưởng giống như một trái bom nổ chậm, đúng ngày, đúng thời điểm, việc đó phải xảy ra.

Cứ lên những trang Fanpage về ngành như Brands Vietnam, Advertising Vietnam, Deadline trong ngày xem, người thường xuyên than thân trách phận về công việc, đa số là dân đến từ Agency cả.

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Một “sự thiệt” hiển nhiên khác là cũng không có một copywriter nào viết một câu ăn cả năm. Bởi vì người viết cũng chỉ là người làm công ăn lương, người làm sáng tạo cho công ty. Dù tháng đó bạn viết được 1 câu, 50 câu hay 800 câu thì lương của bạn vẫn như vậy. Và slogan chỉ chiếm 1% công việc của copywriter, người viết quảng cáo phải là người liên tục đưa ý tưởng đến mọi ngóc ngách của truyền thông từ kịch bản TVC, copy cho print-ad, thậm chí là soạn tin nhắn sms, viết nhạc, đặt tên website,...

Còn nhiều, ngộ nhận trong ngành còn nhiều, bạn có thể tham khảo qua những bài viết dưới đây, để nhìn rõ hơn về sự thiệt trần trụi của ngành.

Rũ bỏ được phần nào ngộ nhận rồi, sẽ nhận ra mình cần hiểu đúng làm việc ở Agency là làm gì, có những phòng ban ra sao, quy trình thế nào,... Yêu thích công việc này thì bạn nên tìm hiểu ngay những agency hiện có ở Việt Nam. Tất cả đều có thể tham khảo trên Google, Facebook,... Hãy dành thời gian để "stalk" xem họ đang làm chiến dịch gì, nói gì trên mạng xã hội. Đơn giản hơn, bạn có thể tìm những nhân viên, những anh chị đã từng làm ở công ty đó, xem môi trường làm việc ra sao, cuộc sống Agency hằng ngày của họ có thú vị không nào.

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Tất cả nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành sáng tạo, và gia tăng cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp của mình. Để tham khảo các Agency đang hoạt động trên thị trường hiện nay, bạn có thể xem tại Danh bạ Agency. Hoặc nếu chưa rõ các loại Agency trong thế giới Marketing bạn hãy xem bài viết Marketing Career (Phần 2): Giới thiệu tổng quan về các loại công ty trong ngành marketing.

2. Những thói quen cần có của dân quảng cáo sáng tạo

Abraham Lincoln từng nói: “Nếu tôi có 6 giờ để hạ một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ để mài sắc lưỡi rìu của tôi”. Câu quote này thực sự phù hợp cho những bạn trẻ, khi còn đi học, còn nhiều thời gian, việc cần phải làm đó là chuẩn bị vũ khí thật sắc bén để bước để tự tin xông pha chiến trận. Làm sáng tạo không phải là một khả năng thiên phú, đó là kỹ năng mọi người có thể luyện tập hằng ngày, dưới đây là 3 lời khuyên cho bạn rèn luyện thói quen sáng tạo:

Tập đọc - Tập viết

Dân quảng cáo sáng tạo (hay còn gọi là copywriter) có trách nhiệm thực hiện phần ngôn ngữ bằng lời đối với các quảng cáo. Vì vậy, write (viết) cũng là một nhân tố thiết yếu có mặt trong mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Mới bắt đầu tham gia có thể bạn sẽ viết chưa hay, chưa thuyết phục người xem, đó không phải là vấn đề quá to tát. Kỹ năng viết sẽ được tôi luyện và trau chuốt qua ngày tháng, theo từng nỗ lực và cố gắng của bạn.

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Để làm được giỏi việc viết lách, ngoài việc luyện tập viết thường xuyên, bạn nên đọc thật nhiều. Không chỉ từ sách, báo mà còn rất nhiều nguồn khác nhau trên Internet, mạng xã hội. Khi việc đọc trở thành một thói quen, bạn sẽ tích cóp được vốn từ vựng và những cách hành văn độc đáo, từ đó dễ dàng phát triển được phong cách viết cho bản thân mình.

Học, Học nữa, Học mãi

Bạn có thể bắt đầu học hỏi từ những ý tưởng quảng cáo. Đây là nguồn kiến thức thực tế nhất bạn có thể thu thập được. Từ ý tưởng, câu slogan, tagline, cho đến cách thực thi đều là những điều hay ho bạn cần lưu ý mỗi khi xem quảng cáo. Một số nguồn quảng cáo bạn có thể tham khảo: Adweek.com, Adeevee.com, Adsoftheworld.com,…

Ngoài việc tự trau dồi kiến thức cho bản thân về kỹ năng viết lách và sáng tạo, hãy cố gắng học tập có định hướng bằng cách theo học nghề. Đi học, ngoài việc lấp đầy những lỗ hổng kiến thức, còn giúp bạn có cơ hội bổ sung thêm những mối quan hệ trong ngành; và khi bạn quyết tâm đi học, chịu trách nhiệm với học phí, thời gian, công sức mình bỏ ra, bạn sẽ càng được củng cố niềm tin về con đường nghề nghiệp trong tương lai.

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Bạn có thể tham khảo các khóa học Offline tại những trung tâm như Aim Academy, Tomorrow Marketer, Phèn Marketing,... Nếu bạn không có thời gian và muốn học trực tuyến, hãy thử tìm hiểu tại Brand Camp qua bộ khóa học marketing cho người mới bắt đầu.

Bên cạnh đó, để có thể hoàn thành tốt công việc tại những Agency lớn, bạn cần phải có vốn ngoại ngữ kha khá. Là những agency đa quốc gia, chắc chắn không thể thiếu vắng các khách hàng quốc tế. Công việc, giấy tờ, trao đổi trò chuyện hằng ngày ở văn phòng sẽ làm bạn stress nếu như không có kỹ năng tiếng Anh phòng thân.

Dấn thân và trải nghiệm sớm

Tranh thủ thời sinh viên còn trẻ, còn khỏe, bạn hãy thử tham gia những cuộc thi về marketing, quảng cáo,... Cứ đăng ký thật nhiều, dù không đạt giải, ít nhất bạn cũng có cơ hội tiếp xúc với ý tưởng, cách thực thi chiến dịch, và hơn thế nữa, bạn sẽ có thêm một vài gạch đầu dòng cho Portfolio của mình. Bạn có thể tham khảo một số cuộc thi như: Vietnam Young Spikes, Vietnam Young Lions, Young Marketers,...

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Dân Agency thích những bạn đi nhiều, tham gia hoạt động nhiều, vì khi đó, bạn sẽ có những trải nghiệm cho riêng mình, biết đâu sau này, đó chính là những ý tưởng hay khi làm chiến dịch quảng cáo thì sao?

3. Những lưu ý khi chuẩn bị vũ khí

Những thói quen ở trên là nguyên liệu cơ bản nhất để bạn tạo nên vũ khí lợi hại, giúp bạn chiếm phần thắng trên mặt trận Agency. Bởi vì từ những thói quen trên, bạn sẽ có kinh nghiệm, dự án nho nhỏ, hoặc những mối quan hệ cần thiết để bước chân vào ngành.

Lưu ý khi viết CV

Để công phá bất kỳ công việc nào, đầu tiên phải kể đến là CV. Chiếc CV là đầu câu chuyện, là “the truth well told”. CV là bản sơ yếu lý lịch cao cấp, nói thật hay cái hay của bản thân mình. Hiện tại, sau 4, 5 năm cày cuốc trên giảng đường, nếu bạn siêng năng luyện tập những thói quen kể trên, bạn sẽ có một số kinh nghiệm bỏ túi như làm Đoàn Hội, tham gia các cuộc thi, làm freelance, và Creative Director không có thời gian quan tâm điều đó.

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Cách làm của họ khi đọc CV, người ta thường chỉ “scan” những “keyword” bên trong CV. Thường những từ họ sẽ tìm như "idea", "concept", "brainstorm",... Bạn phải bóc tách những kinh nghiệm hiện có và chèn keyword vào. Hãy tham khảo thêm JD tuyển dụng vị trí bạn đang ứng tuyển, bạn sẽ tìm được nhiều từ khóa có thể áp vào CV của mình.

Lưu ý: Thiết kế CV phải đẹp, phải thật chỉn chu. Bởi vì bạn làm sáng tạo, nên đó là yêu cầu thiết yếu, chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng không có áo, không ai tin mấy người là thầy tu hết. Hãy chính xác trong từng chi tiết, cố gắng siết lại tất cả nội dung trong một trang A4, và nhớ kiểm tra chính tả, ngữ pháp tiếng Anh.

Lưu ý khi làm Portfolio

Portfolio - hồ sơ năng lực, vũ khí quan trọng để “show đồ chơi” của bạn cho Creative Director. Khi đọc Portfolio của sinh viên, bạn nên nhớ Agency chỉ quan tâm cách nghĩ của bạn. Họ sẽ xem rằng ứng cử viên này suy nghĩ có lạ không?; Viết có cứng không?; Idea có thú vị không?;... chứ chưa đá động nhiều đến kinh nghiệm từng làm.

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Nguyên tắc quan trọng nhất khi làm Portfolio là đừng đưa lên quá nhiều. Bởi vì tâm lý chung, mọi người sẽ đánh giá bạn trên những thứ bạn làm tệ nhất. Portfolio chỉ cần show 3 cái tốt, còn hơn là show thật nhiều, vào show hết những thứ dù là khá tệ. Bạn sẽ có những dự án đầu tay, những dự án tâm huyết quá, nên không nỡ bỏ ra. Hãy chịu khó, vì cảm xúc đối với bạn là rất nhiều, nhưng khi nhà tuyển dụng nhìn vào sẽ không biết cảm xúc đó, họ chỉ quan tâm đến chất lượng của ý tưởng.

Một lưu ý nữa là vì bạn chưa đi làm nên đừng ngại thể hiện ý tưởng bằng mọi cách. Tất cả những gì trên Portfolio đều nói về Idea, cho nên đừng ngại đưa lên những bài tập lớn, status Facebook, bài dịch, những câu Quote của bạn nghĩ ra. Lưu ý rằng khi đưa lên bạn cần phải chắt lọc và giản lược, đi thẳng vào idea luôn.

Cuối cùng, bạn nên có một Portfolio Online, thời đại 4.0 rồi, hãy quên đi các thể loại file đính kèm như Zip, PDF,... Hiện nay có khá nhiều trang web làm portfolio miễn phí, bạn có thể tham khảo https://carbonmade.com/. Nếu bạn có luôn một trang blog, một website để giới thiệu mình thì quá tốt.

Vũ khí tối thượng - Mối quan hệ

CV - Port chất lừ đi nữa, cũng không bằng mối quan hệ. Thô nhưng thật, đi làm ở bất cứ đâu có mối quan hệ mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn. Bạn hãy cố gắng mở rộng mình ra, quen người này, người kia. Từ người này sẽ dẫn bạn đến người kia, người kia kia nữa, đó gọi là những mối quan hệ bắc cầu với nhau. Quan hệ ở đây không phải là bạn dùng chiêu trò gì để vào ngành, đơn giản điều đó thể hiện sự dấn thân, sự đam mê của bạn đối với thế giới sáng tạo này. Nếu bạn quá yêu thích, chắc chắn bạn sẽ có những cách riêng để bước chân vào.

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Một mẹo nhỏ để xây dựng mối quan hệ cho bạn, đó là khi tham gia sự kiện hay đi học tại trung tâm, bạn hãy cố gắng mở lòng trò chuyện, kết bạn, lưu contact của những diễn giả, những anh chị có tên tuổi trong ngành. Chỉ cần một vài tin nhắn chào hỏi như “Chào anh A, em là B, vài dòng giới thiệu bản thân, đợt có tham gia sự kiện C gặp anh, em muốn kết bạn để học hỏi thêm từ anh”. Đi càng nhiều bạn sẽ tạo được thêm rất nhiều mối quan hệ, đó là lợi thế vô cùng lớn trên con đường nghề nghiệp sau này.

Chào mừng bạn đã đặt một... ngón chân út vào thế giới Agency! Ngổn ngang nhưng vô cùng hấp dẫn và thách thức.

Trang bị năng lực toàn diện từ những "người trong nghề" để tăng tốc trên con đường nghề nghiệp, từ việc nộp hồ sơ và chuẩn bị Portfolio, hiểu biết nền tảng về thương hiệu, nắm vững quy trình Briefing và Pitching, sẵn sàng tham gia các buổi Brain-storming (Creative) hay tự tay viết Copy-writing, đến tự tin quản trị khách hàng (Account), hoạch định và thực thi truyền thông (Planning), được hệ thống hóa trong bộ khóa học Agency Starter Toolkit, do BRANDS Vietnam cùng nhóm 13 giảng viên hàng đầu từ các Agency và tập đoàn lớn dày công biên soạn.

Chuẩn bị gì để đi làm tại Agency?

Các khóa học đều có thể dễ dàng truy cập trực tuyến, học e-learning trên tất cả mọi thiết bị, không giới hạn thời gian. Ngoài ra, khi hoàn thành trọn bộ, bạn còn nhận được chương trình Ưu đãi 35% học phí.

#quảng cáo     #truyền thông