Tìm hiểu 4 cách phân loại các mô hình nhượng quyền
Về việc phân loại, tôi thường phân loại theo 4 kiểu gồm: (1) tính toàn vẹn của mô hình, (2) thể loại hợp đồng, (3) phạm vi lãnh thổ và (4) một số hình thức phân loại khác.
Nội dung chính |
1. Phân loại theo tính toàn vẹn của mô hình |
2. Phân loại theo thể loại hợp đồng |
3. Phân loại theo phạm vi lãnh thổ |
4. Các hình thức phân loại khác |
1. Phân loại theo tính toàn vẹn của mô hình
Xét theo tính toàn vẹn của mô hình, tôi thấy trên thị trường hiện có 2 loại mô hình nhượng quyền thương mại (NQTM): nhượng quyền theo cách thức truyền thống (nhượng quyền tên thương hiệu hoặc phân phối sản phẩm) và nhượng quyền thương mại mô hình kinh doanh. Trong đó, NQTM mô hình kinh doanh là phổ biến nhất.
Dễ thấy hình thức NQTM truyền thống sẽ bao gồm nhượng quyền tên thương hiệu hoặc phân phối sản phẩm, mối ràng buộc giữa bên nhượng quyền và nhận quyền thường thông qua một hợp đồng phân phối, hoặc hợp đồng đại lý cho phép bên nhận quyền được phân phối sản phẩm, cũng như sử dụng nhãn hiệu của mình tại một khu vực nhất định. Ví dụ điển hình cho hình thức này có thể kể đến các nhà phân phối của các thương hiệu lớn như Pepsi, Coca-Cola.
Thứ hai là loại nhượng quyền hiện đại – nhượng quyền mô hình kinh doanh. Đây là hình thức liên quan đến việc cung cấp cho bên nhận quyền một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh, bao gồm giấy phép tên thương mại, sản phẩm/ dịch vụ được bán, phương pháp hoạt động, kế hoạch tiếp thị chiến lược, quy trình kiểm soát chất lượng và các dịch vụ kinh doanh cần thiết. Mô hình này thể hiện rất rõ qua các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như McDonald’s, KFC.
Theo quan sát của tôi, nhượng quyền mô hình kinh doanh được đánh giá là hình thức thuần tuý nhất của NQTM. Mức tăng trưởng của hình thức này vượt xa các hình thức còn lại.
Để làm rõ sự tăng trưởng hơn hẳn của hình thức nhượng quyền mô hình kinh doanh, tôi sẽ so sánh nhanh theo một vài tiêu chí như sau:
- Về chiều sâu và mức độ chi tiết của thoả thuận NQTM, nhượng quyền tên thương mại hoặc phân phối sản phẩm ở mức thấp cho đến vừa phải, còn nhượng quyền mô hình kinh doanh ở mức cao.
- Trong nhượng quyền tên thương mại hoặc phân phối sản phẩm, tên thương hiệu có thể được sử dụng trong tên đơn vị nhận quyền hoặc không. Đối với hình thức nhượng quyền mô hình kinh doanh, tên đơn vị bắt buộc phải là tên thương hiệu. Các sản phẩm, dịch vụ được phép bán ở bất cứ bên nhận quyền nào cũng đều mang thương hiệu của bên nhượng quyền.
- Phí liên tục của hình thức nhượng quyền mô hình kinh doanh bao gồm tiền bản quyền hàng tháng và phí quản lý (đối với hỗ trợ đào tạo và tiếp thị). Trong khi bên nhận quyền của hình thức nhượng quyền truyền thống chỉ cần thanh toán tiền bản quyền hàng tháng (nếu có).
- Mức độ hỗ trợ đào tạo cũng như hoạt động kiểm soát của bên nhượng quyền mô hình kinh doanh cũng được ghi nhận ở mức độ cao hơn so với hình thức nhượng quyền truyền thống.
2. Phân loại theo thể loại hợp đồng
Ngoài cách phân loại ở trên, tôi cũng thường thấy các bên phân loại theo hợp đồng nhượng quyền, thường gặp là các nhóm sau:
- Single Unit (nhượng quyền đơn lẻ hay nhượng quyền một cơ sở kinh doanh): Với loại hình này, bên nhận quyền có quyền mở và vận hành một đơn vị nhượng quyền riêng lẻ. Ví dụ, tôi muốn kinh doanh nhượng quyền từ một thương hiệu A, nhưng do hạn chế về mặt nguồn lực nên chỉ có thể mở một cửa hàng kinh doanh. Lúc này, tôi đang hoạt động theo hình thức nhượng quyền đơn lẻ.
- Multiple Unit (nhượng quyền đa đơn vị): Ngược lại với nhượng quyền đơn lẻ, bên nhận quyền có quyền mở và vận hành nhiều đơn vị nhượng quyền thương mại. Hình thức này được làm 2 loại gồm: Master Franchise và Area Development.
- Master Franchise (đại lý độc quyền): Hình thức này cho phép bên nhận quyền được mở nhiều đơn vị nhượng quyền trong một khu vực lãnh thổ cụ thể. Ngoài ra, bên nhận quyền cũng được trao quyền NQTM phụ hay tái nhượng quyền cho đơn vị thứ 3. Đại lý độc quyền đảm nhận một số trách nhiệm của bên nhượng quyền như cung cấp, hỗ trợ và đào tạo ban đầu cho bên nhận quyền phụ; nhận một tỷ lệ phần trăm phí nhượng quyền trả trước và phí bản quyền. Ví dụ như GS25 – chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng của Hàn Quốc – gia nhập Việt Nam thông qua hợp đồng Master Franchise với Công ty TNHH GS25 Việt Nam. Đơn vị này là công ty liên doanh giữa GS Retail – chủ sở hữu GS25 và Tập đoàn Sơn Kim. Hiện tại, GS25 đã có cửa hàng nhượng quyền cho các nhà đầu tư. Như vậy, lúc này GS25 Việt Nam là đơn vị nhượng quyền, còn các nhà đầu tư sẽ là bên nhận quyền hay còn gọi là đơn vị thứ 3.
- Area Development (đại lý phát triển khu vực): hình thức nhượng quyền cho phép bên nhận quyền độc quyền phát triển ở một lãnh thổ cụ thể bằng cách mở nhiều đơn vị và không có quyền nhượng quyền phụ.
Vậy mỗi hình thức sẽ có những thuận lợi và thách thức nào?
Đối với hình thức NQTM đơn lẻ, những thuận lợi có thể kể đến gồm:
- Bên nhận quyền nhận được sự tham gia trực tiếp, sự chú ý của bên nhượng quyền. Phía nhượng quyền có thể kiểm soát các đơn vị riêng lẻ tốt hơn, nhờ đó có thể xác định sớm hoặc loại bỏ các thách thức tiềm năng (nếu có).
- Chủ thương hiệu có thể trực tiếp kiểm soát chất lượng cửa hàng, vốn là một yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh, điển hình là ngành F&B.
- Kế hoạch mở rộng số lượng đơn vị nhận quyền trong một khu vực được đẩy nhanh hơn vì bên nhượng quyền không bị giới hạn bởi các nguồn lực và khả năng của đại lý độc quyền.
- NQTM đơn lẻ được xem là hình thức phù hợp với chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi sự hạn chế về nguồn lực.
Song song đó là các thách thức cần phải đối mặt khi chọn loại hình hợp đồng này:
- Bên nhượng quyền cần nhiều thời gian và nguồn lực để giám sát tất cả các đơn vị nhượng quyền đơn lẻ.
- Các đơn vị nhượng quyền đơn lẻ thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu sự tinh tế trong kinh doanh, phần nào làm tăng rủi ro kinh doanh cho bên nhượng quyền.
- Các hợp đồng nhượng quyền hiện đại hầu như ít đề cập về tính độc quyền trong một khu vực địa lý hay một phạm vi lãnh thổ cụ thể. Chính vì vậy, nếu nhượng quyền đơn lẻ/ 1 đơn vị, nhà đầu tư phải tính đến xác suất ngay bên cạnh cửa hàng của mình có thể tồn tại một cửa hàng hoặc mô hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ khá tương đồng do chủ thương hiệu bắt tay với một nhà đầu tư khác.
Về hình thức NQTM đa đơn vị, những lợi ích bao gồm:
- Khả năng hoà vốn của bên nhượng quyền nhanh hơn nhờ vào chuyên môn và tính kinh tế theo quy mô của đại lý độc quyền (chủ yếu là công ty lớn/tập đoàn).
- Bên nhượng quyền tiết kiệm thời gian và nguồn lực nhờ sự giúp đỡ của đại lý độc quyền.
- Không có sự cạnh tranh trong nội bộ hệ thống NQTM như trường hợp NQTM đơn lẻ bởi các đơn vị nhượng quyền đều thuộc sự quản lý của đại lý độc quyền. Bàn về những thách thức, có thể nhìn ra được một vài điểm như sau:
- Khó có được một đại lý độc quyền, trừ khi bên nhượng quyền là một thương hiệu nổi tiếng.
- Sức mạnh thương lượng của bên nhượng quyền với đại lý độc quyền sẽ yếu hơn so với đơn vị nhượng quyền đơn lẻ.
- Trong trường hợp bên nhượng quyền muốn nhanh chóng mở rộng ở một khu vực cụ thể, nguồn lực của 1 đại lý độc quyền rất khó để mở liên tục nhiều cửa hàng trong thời gian ngắn. Nhưng nếu bên nhượng quyền (chủ thương hiệu) hợp tác cùng lúc với nhiều nhà đầu tư cá nhân thì có thể triển khai được hàng chục cửa hàng trong thời gian ngắn.
3. Phân loại theo phạm vi lãnh thổ
Tiêu chí phân loại thứ ba là phạm vi lãnh thổ, gồm có các loại hình sau:
- NQTM trong nước, như Milano Coffee, Trung Nguyên Legend, E-coffee…
- NQTM từ nước ngoài vào Việt Nam, điển hình là một số thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu có thể kể đến như: Gongcha, Dingtea, McDonald’s, Haagen-Dazs, Pizza Hut, Burger King, Lotteria, BBQ Chicken…
- NQTM từ Việt Nam sang nước ngoài như Phở 24, Highland Coffee…
4. Các hình thức phân loại khác
Ngoài ra, các hình thức kinh doanh nhượng quyền còn phân loại theo một số yếu tố khác như:
- Theo mức độ tham gia đầu tư, NQTM chia thành: (1) nhượng quyền không bỏ vốn đầu tư; (2) nhượng quyền có góp vốn đầu tư. Với hình thức thứ 2, bên nhượng quyền sẽ góp vốn bằng chính phần tiền thanh toán trước cho chi phí nhượng quyền lần đầu.
- Theo mức độ kiểm soát, NQTM chia thành: (1) tham gia quản lý vận hành – rất phổ biến với các thương hiệu khách sạn quốc tế; (2) không tham gia quản lý vận hành.
Trên đây là những chia sẻ của tôi về các hình thức kinh doanh nhượng quyền xét trên nhiều khía cạnh, đồng thời điểm qua những thuận lợi, thách thức của từng loại hình. Hi vọng qua bài viết này, các bạn có thể có thêm thông tin để cân nhắc, lựa chọn hình thức nhượng quyền phù hợp với nhu cầu, năng lực và điều kiện hiện có. Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về nhượng quyền, có thể tham khảo khóa học Franchise: Khởi nghiệp từ Kinh doanh Nhượng quyền trên BrandCamp.
Trên đây là nội dung mà giảng viên Đỗ Duy Thanh đã chia sẻ trong khoá học "Franchise: Khởi nghiệp từ Kinh doanh Nhượng quyền". Anh Thanh được biết đến với nhiều khóa học trước đây tại Brand Camp, tiêu biểu là series 9P Trong Quản Trị Nhà Hàng hay Khởi Nghiệp Kinh Doanh Đồ Uống. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực F&B, đồng thời là Founder kiêm CEO của FNB Director, trong khoá học lần này, anh sẽ mang đến cho học viên những kiến thức nền tảng về nhượng quyền cũng như kinh nghiệm quý báu đến từ một người lành nghề.
Marketing Fundamentals
Đâu là lựa chọn tối ưu: Kinh doanh nhượng quyền – Kinh doanh truyền thống?Marketing Fundamentals
Các vấn đề pháp lý cần quan tâm khi kinh doanh nhượng quyền