Thực hành Design Thinking ở cấp độ doanh nghiệp
Tư duy Thiết kế (Design Thinking) là một phương pháp tư duy khoa học nhằm thiết kế ra giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề phức tạp trong kinh doanh. Dựa trên cơ sở trọng tâm là con người, quy trình này giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu của con người, từ đó tạo ra nhiều ý tưởng mới và tiếp cận thực tiễn bằng các bản mẫu thử nghiệm. Đồng thời, phương pháp này giúp người làm mở rộng tư duy, đón nhận nhiều kiến thức và biết cách kết hợp bộ kỹ năng từ nhiều lĩnh vực.
Design Thinking cần được thực hành ở quy mô doanh nghiệp, vì cần có sự kết hợp nhiều kiến thức & các bộ kỹ năng đa dạng từ đa phòng ban. Ngoài ra, giải pháp đến từ tư duy thiết kế thường có tính sáng tạo cao, có thể chưa từng có trong quá khứ của doanh nghiệp đó, nên cần có sự đồng thuận rộng rãi ở nhiều phòng ban thì mới có thể triển khai được.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu tính chất của tư duy thiết kế, từ đó học cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp nên như thế nào để tạo điều kiện phát huy hiệu quả của việc thực hành và workshop làm tư duy thiết kế nên được tổ chức ra sao.
1. Tính chất của Design Thinking
Kết quả sáng tạo của Tư Duy Thiết Kế thường mang một số đặc điểm phổ biến sau:
- Khai thác những khía cạnh mới, tâm lý mới của trải nghiệm con người mà xưa nay mà doanh nghiệp ít để ý đến. Tức là nhìn rộng hơn về cuộc sống của khách hàng và khai thác những insight rất mới mẻ, thậm chí đáng ngạc nhiên để làm nền tảng cho thiết kế.
- Kết quả của tư duy thiết kế có tính sáng tạo cao về tính năng, lợi ích, định dạng của sản phẩm / dịch vụ.
- Tạo ra kết quả đột phá trong kinh doanh, về mặt tăng trưởng doanh số, xây dựng thương hiệu, tác động thay đổi hành vi khách hàng đáng kể như mua hàng hoặc tải app sử dụng trên một quy mô lớn
- Các mẫu thử của tư duy thiết kế thường được triển khai nhanh thử nghiệm nhanh, khuyến khích thất bại nhanh để hiểu rõ lí do tại sao. Sau đó sẽ điều chỉnh dựa trên kết quả, hay thậm chí loại bỏ để phát triển mẫu thử mới hoàn toàn.
2. Văn hóa doanh nghiệp
Chính vì Tư Duy Thiết Kế mang các đặc điểm độc đáo như thế, nên văn hóa, môi trường doanh nghiệp cũng phải trang bị một số phẩm chất để phát huy tính sáng tạo. Bao gồm:
- Ở trong môi trường tốt cho Design Thinking, ý thức hợp tác với nhau để cùng giải quyết vấn đề giữa các phòng ban phải cao. Nếu không có sự hợp tác thì rất khó giúp nhận biết để vấn đề phức tạp một cách thấu đáo, thiết kế giải pháp và cùng nhau triển khai.
- Cần phải khuyến khích thử nhanh và sai nhanh để đúc kết bài học. Đây là văn hóa thúc đẩy sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nếu không khuyến khích thử và chấp nhận sai, hoặc chê trách, đổ lỗi cho sai lầm thì chẳng ai dám đề xuất ý tưởng mới để thử nghiệm.
- Văn hóa học tập, trau dồi kiến thức, mài dũa kỹ năng liên tục mỗi ngày ở mọi cấp, dù là Giám Đốc hay là nhân viên ở bậc mới ra trường cũng đều phải được khuyến khích học. Đây là điều rất cần thiết, vì để có năng lực sáng tạo, cần phải có đa dạng kiến thức và bộ kỹ năng phong phú.
3. Workshop tư duy thiết kế
Để thực hành Tư Duy Thiết Kế hiệu quả, bên cạnh các phẩm chất của văn hóa phù hợp thì cần phải có bối cảnh phù hợp cho mọi người, đó là tổ chức workshop từ 1-2 ngày (tùy vào mức độ phức tạp của vấn đề), được diễn ra ở 1 nơi mà mọi người cảm thấy thoải mái, có hứng thú tham gia.
Sự điều phối của buổi workshop cần một moderator trung lập, được trang bị nhiều kiến thức và bộ kỹ năng đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Họ có tư duy nhạy bén, thuần thục sử dụng nhiều công cụ kỹ thuật khác nhau để điều khiển một buổi workshop mà có nhiều phòng ban và nhiều cấp tham gia, cả những bậc từ senior đến rất senior.
Các buổi workshop thường được chuẩn bị kỹ lưỡng về các bài training để mọi phòng ban cùng một hệ quy chiếu để hiểu: training về kiến thức, về xu hướng thị trường, bản kế hoạch trong quý tới của từng phòng ban, các vấn đề, hiện tượng của vấn đề & giả định, v.v…; kết hợp với các khung tư duy sẵn có, để mọi người cùng bão não với nhau.
Có thể thấy, để thực hành tư duy thiết kế ở cấp độ doanh nghiệp, đòi hỏi cả về phẩm chất phù hợp của văn hóa lẫn cách tổ chức workshop phù hợp, đây là điều không dễ dàng, nhưng nếu thực hiện được, tính sáng tạo & ham học của mọi người sẽ được đẩy lên một cấp bậc mới, và sẽ rất hữu ích cho kinh doanh trong dài hạn.
Chia sẻ bởi anh Nguyễn Quang Hiệp, Brand Trainer & Consultant. Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm Marketing cấp quản lý ở các tập đoàn Unilever, Masan Consumer, Wilmar, CJ Hàn Quốc.
Nguyễn Quang Hiệp
799,000đ
Professional Skills
Chiến lược học tập giúp nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề