Nhân viên giỏi cần biết Quản lý Sếp

Nhân viên giỏi cần biết Quản lý Sếp

Ủa, sao lạ vậy? Sếp mới là người quản lý mình chứ! Nhân viên quèn mà sao có quyền quản lý sếp được. Vậy bạn có gặp phải những tình huống sau chưa?

  • Bạn nhắn tin nhắc sếp làm việc A, việc B cho mình, rồi đợi 7 ngày 7 đêm vẫn không thấy sếp động tĩnh gì.
  • Bạn cần sếp đi gặp đối tác chung, mà chẳng biết khi nào thì sếp rảnh để sắp lịch.
  • Việc sếp giao, bạn làm ngày làm đêm, đổ mồ hôi sôi nước mắt, mà sếp phán ngay: “Chưa được, về sửa lại đi em!”

Cái kết thường gặp là công việc dồn ứ, bạn bị hối thúc đủ bề, phải vắt chân lên cổ làm cho kịp deadline; lòng thầm oán trách: “Tại sếp khó tính, đãng trí,... làm mình ra nông nỗi này!”

Ngừng oán trách! Thực sự sếp bạn cũng có trăm công nghìn việc phải lo, nhiều trách nhiệm phải gánh vác. Trách sếp cũng chẳng giúp bạn làm tốt hơn. Để vừa việc cho chính mình, vừa giúp sếp giải quyết công việc nhanh gọn, bạn hãy chủ động học cách “quản lý" sếp thông minh:

1. Quản lý kì vọng

Khi sếp giao việc cho bạn, hãy tìm hiểu xem mong đợi, kì vọng của sếp đối với công việc đó, và đối với bạn là gì. Phải hiểu đúng thì mới biết cách đáp ứng kì vọng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nếu sếp chưa nói rõ, bạn có thể hỏi trực tiếp, hoặc khéo léo dò hỏi. Ví dụ: “Với dự án này, em nghĩ cần tập trung tối ưu thời gian thực hiện và chi phí, còn chất lượng mình sẽ chấp nhận hơi thấp hơn so với thông thường một chút. Em nghĩ như vậy có đúng không anh?”.

2. Giao tiếp 3 kênh

Khi bạn cần sếp làm một việc gì đó giúp mình, hãy đảm bảo đã trao đổi với sếp theo trình tự sau:

  • Lần 1: Gặp mặt trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại
  • Lần 2: Gửi email để xác nhận. Đây cũng chính là một “reminder” cho sếp
  • Lần 3: Đặt hồ sơ, giấy tờ trên bàn để sếp xem, duyệt, hoặc ký (nếu có)

Bạn cũng có thể đặt lịch nhắc nhở sếp để hoàn thành công việc đó, và thường xuyên nhắc nếu sếp bạn là người siêu bận rộn.

3. Quản lý thời gian

Yêu cầu sếp chia sẻ lịch làm việc công khai, để bạn biết được ngày/tuần đó sếp sẽ đi đâu, sếp có thời gian rảnh hay không. Như vậy, nếu cần book lịch họp, cần sếp review bài, bạn có thể chủ động book, không cần phải hỏi tới hỏi lui sếp.

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều công cụ, bí quyết giúp bạn vừa đảm bảo được tiến độ công việc của bản thân, vừa tự biến mình thành một nhân viên “đắc lực” trong mắt sếp.

Chia sẻ bởi Chị Hồ Viết Dương Hạ, với hơn 19 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Marketing, với chức danh gần nhất là Category Marketing Director. Chị đã nhận được nhiều giải thưởng về Sáng tạo hiệu quả các kênh truyền thông, đối thoại với khách hàng và các đối tác chiến lược.