Quy trình 5 bước nghiên cứu và tìm kiếm từ khóa SEO hiệu quả

Quy trình 5 bước nghiên cứu và tìm kiếm từ khóa SEO hiệu quả

Việc xác định từ khóa và thời điểm đầu tư cho từ khóa đóng vai trò nền tảng trong một chiến dịch SEO. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn một quy trình nghiên cứu và lựa chọn từ khóa phù hợp qua 5 bước cụ thể.

Từ khóa SEO thích hợp sẽ giúp bài viết dễ dàng được tìm thấy trên các công cụ tìm kiếm. Theo đó, để có được bộ từ khóa hiệu quả, đầu tiên, bạn cần nắm vững quy trình nghiên cứu và xây dựng chiến lược làm SEO.

1. Xác định mục tiêu của chiến dịch SEO

Đầu tiên, bạn phải xác định được 2 mục tiêu chính bao gồm: Mục tiêu kinh doanh và mục tiêu Marketing.

  • Mục tiêu kinh doanh

Mục tiêu này sẽ được xác định bằng việc trả lời những câu hỏi như: Tôi muốn thực hiện chiến dịch SEO để đạt được điều gì?

Ví dụ, một doanh nghiệp chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới sẽ thực hiện chiến dịch SEO để làm gì? Lúc này, mục đích của họ là nâng cao thứ hạng các bài viết liên quan đến sản phẩm trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Từ đó, khách hàng sẽ truy cập vào website chứa thông tin sản phẩm và tăng khả năng mua hàng.

  • Mục tiêu Marketing

Để xác định mục tiêu này, bạn cần trả lời các câu hỏi sau: Tôi muốn từ khóa này đạt được thứ hạng nào trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm? Sản phẩm của tôi sẽ có share of voice (thị phần về mặt nhận biết) so với những đối thủ khác ra sao? Trả lời được những câu hỏi đó, kế hoạch tìm kiếm và triển khai từ khóa sẽ được định hướng rõ ràng hơn.

2. Lập kế hoạch từ khóa

Sau khi đã xác định được mục tiêu kinh doanh, bạn cần tổng hợp các ý tưởng, từ khóa chính và từ khóa liên quan đến sản phẩm/dịch vụ đã được chọn. Theo đó, các phương pháp phân loại như Keywords Tree sẽ giúp bạn tìm ra bộ từ khóa phù hợp nhất.

Mô hình Keywords Tree (cây từ khóa trong SEO) bao gồm 3 phần: Từ khóa chính (gốc cây), từ khóa phụ (cành cây), từ khóa phát triển (lá cây). Cụ thể: (1) Từ khóa chính là những từ khóa liên quan trực tiếp đến sản phẩm, dịch vụ, có tần suất tìm kiếm lớn, độ cạnh tranh cao; (2)Từ khóa phụ là từ khóa liên quan gần đến từ khoá chính; (3) Từ khóa phát triển là các từ khóa phát triển từ những từ khóa phụ, hướng về nhu cầu của người dùng.

Lấy ví dụ đối với một trung tâm dạy nhạc. Lúc này, “trung tâm dạy nhạc” sẽ là từ khóa chính liên quan trực tiếp đến sản phẩm mà họ cần lựa chọn. Tiếp đó, “lớp học guitar, lớp học thanh nhạc, lớp học piano, học nhạc ở TP.HCM…” sẽ là nhóm từ khóa phụ liên quan đến từ khóa chính. Cuối cùng, “cách tự học guitar tại nhà, cách luyện thanh chuẩn, hợp âm guitar dễ chơi…” sẽ được xếp vào nhóm từ khóa phát triển từ nhóm từ khóa phụ, hướng đến nhu cầu của người dùng.

3. Phân tích đối thủ cạnh tranh

Sau khi hoàn thành bước 2, bạn sẽ sở hữu một bộ từ khóa lớn với nội dung đa dạng. Song, bộ từ khóa cuối cùng chỉ nên dao động từ 10 đến 30 từ. Vậy làm thế nào để giảm bớt số lượng từ khóa một cách khoa học?

Thông qua việc phân tích hành vi và hoạt động đầu tư của đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ biết được nhóm từ khóa đang được họ chú trọng đầu tư là gì. Nhờ vậy, bạn có thể phần nào hình dung được chiến lược đầu tư trong tương lai.

Lúc này, bạn sẽ đứng trước 2 lựa chọn (đầu tư vào nhóm từ khóa như đối thủ hoặc là lựa chọn nhóm từ khóa dễ hơn). Thực hiện xong bước 3, bộ từ khóa của bạn đã vượt qua bước sàng lọc đầu tiên, theo đó, số lượng từ cũng giảm đi đáng kể.

4. Phân tích mật độ cạnh tranh

Đây được xem là bước sàng lọc thứ hai trong quy trình nghiên cứu và xây dựng chiến lược từ khóa. Cụ thể, Search Volume và độ cạnh tranh của từ khoá là yếu tố quan trọng cần được phân tích.

Ở bước này, số lượng từ khóa sẽ được cắt giảm sao cho gần bằng một nửa con số ban đầu. Ví dụ, lúc đầu bạn có 100 từ khóa, sau bước 4, chúng sẽ được cắt giảm còn 50 từ. Các từ khóa sẽ được lựa chọn dựa trên 2 dạng chiến lược về mức độ cạnh tranh:

Thứ nhất, chiến lược lựa chọn nhóm từ khóa dễ với mức độ cạnh tranh không cao. Đầu tư vào nhóm từ khóa này, các bài viết về dịch vụ, sản phẩm… của bạn sẽ gia tăng khả năng đạt được thứ hạng lý tưởng trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm.

Thứ hai, chiến lược đầu tư vào những từ khóa có Search Volume rất lớn (số lượng tìm kiếm rất lớn cho một từ khóa trong khung thời gian đã chọn, thường là một tháng). Quyết định lựa chọn nhóm từ có có độ cạnh tranh cao buộc thương hiệu phải dành nhiều thời gian, công sức cho giai đoạn triển khai. Song, nếu diễn ra thành công, chiến lược này sẽ giúp độ nhận diện và uy tín thương hiệu gia tăng đáng kể.

Việc áp dụng chiến lược này sẽ khiến số lượng từ khóa sụt giảm nhiều hơn so với mức tiêu chuẩn. Bởi lẽ, việc phân tích Search Volume mang đến vô số góc nhìn cùng tiêu chí tuyển chọn gắt gao.

5. Lựa chọn các bộ từ khóa

Sau khi hoàn thành 4 bước trên, việc cuối cùng bạn cần làm là tổng hợp và lựa chọn từ khóa phù hợp. Để bước này được nhanh chóng hoàn thành, bạn nên chia từ khóa vào các nhóm riêng biệt như: nhóm từ khóa về thương hiệu, nhóm từ khóa về sản phẩm, nhóm từ khóa về nhu cầu người dùng…

Việc phân loại từ khóa sẽ giúp bạn loại bỏ những từ khóa có nội dung trùng lặp. Nhờ vậy, độ hấp dẫn của những thông tin được cung cấp trong các giai đoạn sau trong chiến dịch SEO cũng được tăng cao.

Kết luận

Quy trình nghiên cứu và xây dựng chiến lược từ khóa đóng vai trò nền tảng và thuộc bước đầu tiên của chiến dịch SEO. Sau khi đã tìm được bộ từ khóa phù hợp, việc phối hợp các công cụ, chiến lược cùng cách tiếp cận đúng đắn và thân thiện với thuật toán sẽ giúp sản phẩm của bạn đạt được kết quả tìm kiếm đáng mong đợi.

Để hiểu sâu hơn về chiến lược xây dựng từ khoá SEO, mời bạn tham khảo khoá học "Search Marketing 101: Cẩm nang tối ưu hoá công cụ tìm kiếm" được dẫn dắt bởi anh Hồ Đông Thụ. Khóa học này sẽ giúp bạn nắm vững kiến thức nền tảng về Search Marketing, có được tư duy để xây dựng chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), từ đó tăng khả năng tiếp cận khách hàng cho thương hiệu của bạn.

Chia sẻ của anh Hồ Đông Thụ, Founder & CEO tại Think Digital - Innovative Digital Company. Anh có hơn 12 năm kinh nghiệm triển khai chiến lược và thực thi các chiến dịch Digital Marketing cho nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn FPT, Acer, Kumho Tire, tập đoàn Wilmar CLV…