Sự khác biệt giữa banner performance & branding và những lưu ý để tăng CTR

Sự khác biệt giữa banner performance & branding và những lưu ý để tăng CTR

Nội dung quảng cáo trên Facebook không chỉ là văn bản, bài viết, mà còn có cả hình ảnh. Thậm chí, hình ảnh còn đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thu hút người xem. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số lưu ý nhằm tối ưu hình ảnh quảng cáo mà các marketer có thể tận dụng.

Chúng ta có thể tạm chia hình ảnh để chạy quảng cáo trên Facebook vào 2 nhóm chính: nhận diện thương hiệu (branding) và tạo chuyển đổi (performance).

1. Nhóm banner branding, hướng tới thương hiệu

Đây thường là những bài post thiên về xây dựng hình ảnh, tạo tương tác, truyền tải thông điệp thương hiệu. Các hình ảnh này nhằm mục đích giúp người xem hiểu hơn về thương hiệu đang cung cấp sản phẩm/ dịch vụ gì, truyền tải thông điệp nào? Yêu cầu của một banner branding là phải thể hiện được màu sắc, tính chất của thương hiệu giúp tăng mức độ nhận biết thương hiệu, để lại ấn tượng trong tâm trí người xem.

Các yếu tố trên banner branding sẽ có mức độ quan trọng được sắp theo trình tự như sau:

  • Đặc biệt quan trọng: tagline, hình ảnh minh hoạ cho sản phẩm, màu sắc thương hiệu
  • Quan trọng: logo thương hiệu, CTA, font chữ
  • Nên có: thông tin thêm về dịch vụ, website, hotline...

Để dễ hình dung, hãy cùng phân tích hình ảnh quảng cáo sau của thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp Venezia Beach.

Có thể thấy, đây là 1 banner quảng cáo thuộc nhóm branding cho lĩnh vực bất động sản với tính chất giới thiệu các phân khu bên trong dự án và nét đặc trưng.

Vậy làm thế nào để thể hiện tốt nhất banner này?

Thứ nhất, màu sắc chủ đạo trong bộ nhận diện thương hiệu là xanh lá và vàng. Do vậy, màu nền của banner sẽ dựa trên hai màu này. Đồng thời, cách kết hợp màu sắc cần thể hiện được chất hào hoa, lãng mạn, tinh thần cao cấp của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng dành cho giới thượng lưu.

Thứ hai, hình ảnh minh hoạ cũng cần bám theo đặc tính trên, nên phô ra được những góc nhà, phân cảnh đẹp nhất của khu nghỉ dưỡng để thu hút người xem.

Thứ ba, font chữ trên banner cần thể hiện được cái hồn của thương hiệu. Yếu tố này bắt buộc phù hợp với tính cách thương hiệu, người xem quảng cáo. Font chữ cho người trẻ hiện đại, trung niên, lớn tuổi, bình dân, sang trọng sẽ khác nhau hoàn toàn. Với thương hiệu bất động sản này, font chữ được chọn sẽ hơi hướng bay bổng, thể hiện được sự sang trọng, đặc sắc của sản phẩm.

2. Nhóm banner performance, hướng đến chuyển đổi

Khác với hình ảnh quảng cáo thuộc nhóm branding, hình ảnh quảng cáo để tạo chuyển đổi mang phong cách thực tế hơn, có tính điều hướng hành vi người xem để đạt được hành động mà mình mong muốn: click, inbox, nhận ưu đãi, điền thông tin tư vấn... Do vậy, các thông tin trên banner như chương trình khuyến mại, ưu đãi, giá cả của sản phẩm và dịch vụ sẽ đóng vai trò quan trọng nhất.

Mức độ ưu tiên các yếu tố như sau:

  • Đặc biệt quan trọng: Promotion/ Quà tặng/ Giảm giá/ Gift code/ Giá khuyến mãi
  • Quan trọng: Logo thương hiệu, tagline, slogan, hình ảnh minh hoạ
  • Nên có: CTA
  • Không bắt buộc: Thời gian & phạm vi áp dụng, màu sắc có thể linh hoạt ở mức 30% linh động, 70% bám theo brand guideline.

Hãy xem các hình ảnh quảng cáo sau đây để thấy rõ hơn về sự sắp xếp các yếu tố.

Ở hình ảnh này, phần tagline được xếp ở vị trí nổi bật, phần copywriting hướng đến hành động mong muốn với các động từ mạnh: Đón nhà sang, săn lộc vàng. Tiếp theo, hầu hết các thông tin khác được đặt trên banner sẽ tập trung vào nội dung về gói ưu đãi sản phẩm, dành cho khách hàng nào… Con số được làm nổi bật nhất với 30 quà tặng, kèm theo thông tin thôi thúc tạo sự khan hiếm, khiến người xem hành động nhanh hơn: Dành cho khách hàng đăng ký sớm.

Cuối cùng là nút CTA “Sở hữu ngay” cũng được thiết kế nổi bật với màu nóng. Lưu ý, nút CTA không bắt buộc phải được thể hiện trên banner quảng cáo Facebook. Vì khi bạn thiết lập một campaign trên Facebook, thì ở góc phải bài post, các nút CTA sẽ tự động hiện lên như Xem thêm, Đăng ký ngay, Tìm hiểu thêm...

Tiếp theo, đây là một banner promotion điển hình.

Ở banner này, chúng ta tạo ra một Key Visual mới cho chiến dịch Sinh nhật sàn thương mại điện tử Vstyle – chuyên hàng hiệu giảm giá chính hãng. Như vậy, về màu sắc không nhất thiết phải bám theo brand guideline vì phục vụ cho các chiến dịch khác nhau, chúng ta có thể linh hoạt tạo ra các concept sáng tạo mới mẻ hơn.

Các màu sắc được vận dụng linh hoạt nhưng vẫn bám theo một tông màu chủ đạo là màu tím và hiệu ứng neon để tạo cảm giác lung linh, sôi động của một bữa tiệc sinh nhật. Phần copywriting cho tagline trên hình thoả mãn được 2 yếu tố: dịp đặc biệt là sinh nhật Vstyle và hành động mong muốn là “săn deal”, kết hợp thêm động từ mạnh mang tính chất hào hứng, nhộn nhịp.

Về mặt hình ảnh, banner cần thể hiện được:

  • Các sản phẩm hàng hiệu sẽ góp mặt trong cơn mưa deal lần này,
  • Mức giá ưu đãi khủng, deal sốc 1k, đồng giá 99k, voucher quà tặng
  • Thời gian diễn ra chương trình để mọi người đón chờ và tham gia

Ngoài những nguyên tắc cơ bản kể trên, dưới đây là một số gợi ý bạn có thể áp dụng vào thiết kế banner quảng cáo để tăng tỉ lệ click (CTR):

  • Hiệu ứng đường hướng tâm (sun effect)
  • Các ký hiệu mũi tên, tia sáng, gợn sóng
  • Đường gióng cho cấu trúc bền vững
  • Sử dụng màu nóng cho banner hoặc nội dung trọng tâm và CTA

Sự thành công của một thiết kế không chỉ ở nguyên tắc thẩm mỹ và tư duy marketing mà còn nằm ở cách lựa chọn hình ảnh minh hoạ, ý nghĩa của các màu sắc, thông điệp của từng font chữ... Bạn có thể tìm hiểu thêm qua khoá học Performance Content: Tối ưu nội dung quảng cáo Facebook do tôi chia sẻ trên BrandCamp. Khóa học sẽ hướng dẫn bạn cách thức tối ưu nội dung từ bài viết, hình ảnh cho đến video để tăng hiệu quả cho chiến dịch quảng cáo.