Làm Marketing ở Agency là làm gì?

Làm Marketing ở Agency là làm gì?

Khi tìm hiểu về Marketing, hẳn rằng bạn sẽ thấy Marketing có hai phân ngành chính là Client và Agency. Ở bài viết lần trước, Brand Camp đã chia sẻ chi tiết công việc làm Marketing tại Client. Hôm nay, Brand Camp sẽ cung cấp cho bạn một góc nhìn tổng quan về công việc Marketing tại Agency, những điểm khác biệt giữa Client và Agency và những tố chất bạn cần có để tham gia vào cuộc sống Agency sôi động này.

1. Khái niệm về Client và & Agency

Đầu tiên để phân biệt được công việc Marketing ở Client và Agency, chúng ta cần tìm hiểu qua một số định nghĩa. Theo Chartered Institute of Marketing thì Marketing là công việc quản trị, chịu trách nhiệm xác định, thúc đẩy và thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng nhằm tạo ra lợi nhuận. Ngoài ra, theo Wikipedia thì Marketing còn là việc truyền thông giá trị sản phẩm hay dịch vụ đến người tiêu dùng nhằm mục tiêu bán hàng.

Ở đây, chúng ta có thể thấy rằng việc Marketing của cả Client và Agency đều tạo ra giá trị lợi nhuận dựa trên việc thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với người làm quản trị Marketing (Client) là người xác định, thỏa mãn thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng, còn Marketing ở Agency lại là việc truyền thông giá trị sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng một cách tốt nhất.

Theo mô hình 4Ps, Client thường có một sản phẩm tốt, giá thành hợp lí và hệ thống phân phối để mang sản phẩm đến với người tiêu dùng và họ cũng mong muốn có những chiến dịch truyền thông thật chất để được nhiều người biết đến, yêu mến và sử dụng sản phẩm của họ.

Đó là điều mà Agency có thể làm cho Client. Agency sẽ đưa ra những ý tưởng chương trình truyền thông sáng tạo, nhằm quảng bá được thương hiệu, lôi kéo người tiêu dùng đến điểm bán và thuyết phục họ đưa ra quyết định mua sản phẩm. Do vậy, khác với Client, công việc của Agency thường là quảng cáo, sáng tạo, truyền thông sao cho thực sự hiệu quả.

Tóm lại, Agency là nơi cung cấp giải pháp sáng tạo và khả năng thực thi ý tưởng. Ngoài ra, họ còn là những công ty đưa ra cách giải quyết vấn đề của Client bằng những giải pháp truyền thông, tương tác với người dùng sao cho thật thú vị và hào hứng, giúp người tiêu dùng yêu thích, tin tưởng và sử dụng nhãn hàng.

2. Điểm khác biệt giữa tính chất công việc của Agency và Client

Để nói rõ hơn về mối quan hệ nhùng nhằng và phức tạp này, như ở trên đề cập, Agency là những người đưa ra giải pháp sáng tạo và truyền thông, còn việc Quản trị thương hiệu, phát triển sản phẩm là nhiệm vụ của Client. Nếu không hiểu rõ mối quan hệ, chúng ta sẽ bị dẫm chân mối quan hệ của nhau. Ví dụ bằng hình ảnh bên dưới.

Đây là yêu cầu thường thấy của client, yêu cầu agency làm logo thương hiệu to lên, tuy nhiên sáng tạo là điều mà client trả tiền cho agency nhưng họ lại lấn sân xâm phạm đến thiết kế. Thay vì vậy, hãy chia sẻ rằng “điều client thực sự lo lắng là thương hiệu của tôi chưa thực sự nổi bật trên mẫu quảng cáo này”. Nếu như phản hồi như vậy thì Agency sẽ có nhiều giải pháp để logo thương hiệu trở nên nổi bật hơn mà không cần phải làm logo to hơn.

Kế đến, bạn có thể thấy cả Client và Agency đều tham gia quá trình lên kế hoạch và thực thi truyền thông. Vậy Client làm gì và Agency làm gì?

  • Thứ nhất Client là người đưa ra yêu cầu, những khó khăn cần được giải quyết và Agency là người đưa ra phải pháp sáng tạo cho vấn đề đó.
  • Thứ hai, khi Agency đưa ra giải pháp thì Client sẽ là người duyệt để Agency thực thi
  • Thứ ba, Client là người quản trị thuơng hiệu phải chịu trách nhiệm về chiến lược, định vị, sản phẩm, doanh số,... trong khi đó Agency là người đảm bảo đưa ra giải pháp truyền thông đúng và sáng tạo cho thương hiệu.

  • Thứ tư, Client biết đến người tiêu dùng mục tiêu của mình là ai, họ có nhu cầu gì, từ đó đưa ra những sản phẩm để giải quyết nhu cầu của người tiêu dùng. Còn Agency là người hiểu cảm nhận của người tiêu dùng, từ đó biết cách truyền thông hiệu quả cho sản phẩm của Client.
  • Thứ năm, Client gắn bó sâu sắc với thương hiệu trong thời gian dài, dẫn đến họ hiểu rất sâu, rất sát về sản phẩm và thương hiệu của họ. Agency thì có cục diện khác, trong cùng một lúc họ có thể làm cho nhiều sản phẩm, thương hiệu, vì vậy họ có hiểu biết đa dạng, tươi mới về cách tiếp cận người tiêu dùng.

Tuy có nhiều điểm khác biệt, nhưng chung quy lại cả hai đều cần sự trân trọng và lắng nghe lẫn nhau. Client lắng nghe Agency về chuyên môn của họ, và để cho họ làm việc chuyên môn của mình. Phía Agency cần tôn trọng client, lắng nghe hiểu biết của họ về sản phẩm, về thương hiệu và đảm bảo mình truyền thông đúng thông điệp và không ai giẫm chân của ai cả.

3. Tố chất và kỹ năng làm việc tại Agency

Vậy muốn tham gia vào thế giới Agency bạn cần chuẩn bị những kỹ năng và tố chất gì? Với nhiệm vụ đưa ra giải pháp sáng tạo cho khách hàng, Agency luôn phải tuôn trào ý tưởng, cách nghĩ mới hoặc làm công việc thực thi khác biệt hơn, vì vậy, để bước chân vào cuộc sống quảng cáo thì sáng tạo luôn phải là yếu tố hàng đầu.

Kế đến là đam mê, tuy công việc ở Agency rất hấp dẫn và thú vị, nhưng bù lại rất cực, và tiêu tốn rất nhiều thời gian. Bạn phải thực sự yêu công việc, đam mê với ngành này thì mới có thể bền với nghề và hiểu sâu sắc công việc mình làm.

Bên cạnh đó, bạn còn phải đảm bảo có nhiều năng lượng để xử lý vô số công việc cùng lúc. Công việc luôn đòi hỏi sự linh hoạt, có nhiều vấn đề phát sinh nên cần bạn có khả năng chịu được áp lực lớn.

Cuối cùng là khả năng học hỏi, luôn học để đảm bảo mình đi kịp với thời đại, đi kịp với xu hướng, đi kịp với người tiêu dùng, để chứng minh phương thức của mình hiệu quả dành cho client.

Chào mừng bạn đã đặt một... ngón chân út vào thế giới Agency! Ngổn ngang nhưng vô cùng hấp dẫn và thách thức.

Trang bị năng lực toàn diện từ những "người trong nghề" để tăng tốc trên con đường nghề nghiệp, từ việc nộp hồ sơ và chuẩn bị Portfolio, hiểu biết nền tảng về thương hiệu, nắm vững quy trình Briefing và Pitching, sẵn sàng tham gia các buổi Brain-storming (Creative) hay tự tay viết Copy-writing, đến tự tin quản trị khách hàng (Account), hoạch định và thực thi truyền thông (Planning), được hệ thống hóa trong bộ khóa học Agency Starter Toolkit, do BRANDS Vietnam cùng nhóm 13 giảng viên hàng đầu từ các Agency và tập đoàn lớn dày công biên soạn.

Các khóa học đều có thể dễ dàng truy cập trực tuyến, học e-learning trên tất cả mọi thiết bị, không giới hạn thời gian. Ngoài ra, khi hoàn thành trọn bộ, bạn còn nhận được chương trình Ưu đãi 35% học phí.