Tư duy thiết kế danh mục ngành hàng thời trang

Tư duy thiết kế danh mục ngành hàng thời trang

Bắt đầu kinh doanh trong ngành hàng thời trang, bạn cần hiểu đây là một thị trường rộng lớn, bản chất của thị trường này là cần có một danh mục đa dạng nhiều mẫu mã, kiểu cách. Đây là một công việc phức tạp và tốn nhiều chi phí, đặc biệt là đối với công ty nhỏ, mới khởi nghiệp, chỉ có thể phục vụ được một vài mảng trong thị trường.

Chính vì sự rộng lớn, đa dạng nên tư duy thiết kế danh mục trong thị trường này thường bắt đầu phân tích năng lực của doanh nghiệp trước, để nắm rõ khả năng, nguồn lực. Sau đó đối chiếu với nhu cầu tiềm năng trên thị trường mà doanh nghiệp có thể cạnh tranh tốt để phát triển.

Đây là cách tư duy ngược nhưng mang tính ứng dụng thực tế cho các doanh nghiệp (đặc biệt là SME), việc thiết kế danh mục sẽ trải qua 4 bước như sau:

1. Đánh giá năng lực vận hành doanh nghiệp

Cụ thể đó là 5 loại năng lực: Tay nghề thiết kế của Stylist, năng lực sản xuất, năng lực mở cửa hàng, năng lực thiết kế trải nghiệm, năng lực truyền thông. Sau khi đánh giá, doanh nghiệp sẽ xác định được nên tập trung vào các dòng sản phẩm chủ lực (tức là dòng Signature).

2. Xác định tập khách hàng tiềm năng

Với các dòng sản phẩm Signature như thế thì nên bán cho tập khách hàng tiềm năng nào, với nhu cầu ra sao? Lúc này, đòi hỏi phải am hiểu những hành vi phối đồ căn bản của thị trường thời trang, cụ thể trong phân khúc chính mà doanh nghiệp xác định dòng chủ lực để thâm nhập, các loại nhu cầu & thiết kế các phân khúc quan trọng.

3. Thiết kế định vị thương hiệu

Xây dựng dựa trên các yếu tố thuộc phần lõi của Brand DNA để hoàn thiện định hướng một cách chi tiết cho dòng sản phẩm chủ lực Signature từ Target Customer, Insight cho đến Reason to Believe, Brand Essence.

4. Hoàn thiện danh mục sản phẩm

Cuối cùng mới bắt tay vào hoàn thiện danh mục sản phẩm gồm cả 4 dòng:

  • Dòng Signature: Khai thác nhiều nhu cầu của khách hàng & củng cố định vị.
  • Dòng Routine: Là sự mở rộng danh mục xa phần lõi nhưng vẫn phù hợp với định vị, cũng để tiếp tục khai thác đa nhu cầu của tập khách hàng mục tiêu.
  • Dòng Convenience: mang tính phụ, bán kèm, thuộc tính của dòng sản phẩm này kết nối yếu hơn với các thuộc tính định vị, nhưng vẫn có thể được đánh giá là trong ngưỡng cho phép của định vị, và nó trở thành dòng sản phẩm tiện lợi, khách hàng tiện tay thì mua, không có chủ đích từ trước.
  • Dòng Seasonal: Là dòng sản phẩm mới, mang tính mùa vụ, cập nhật xu hướng, tạo ra câu chuyện để thu hút khách hàng đến cửa hàng.

Trên đây là quy trình 4 bước thiết kế danh mục cho lĩnh vực thời trang nói riêng và cho thị trường bán lẻ dịch vụ nói chung. Qua 4 bước này, doanh nghiệp sẽ phần nào tìm thấy lời giải đáp phù hợp với mô hình vận hành của doanh nghiệp, để từ đó mở rộng phạm vi bao phủ, thỏa mãn được nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Chia sẻ bởi anh Nguyễn Quang Hiệp, Brand Coach & Trainer. Anh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm Marketing cấp quản lý ở các tập đoàn Unilever, Masan Consumer, Wilmar, CJ Hàn Quốc.